Miến gạo Sông Son: Nâng tầm gạo Việt

Miến gạo Sông Son: Nâng tầm gạo Việt

Đất nước ta được biết đến với đất nước có truyền thống sản xuất lúa gạo từ lâu đời.  Theo thống kê của  Tổng Cục Thống kê, trong năm 2018, Việt Nam sản xuất ước tính hơn 43 triệu tấn lúa và xuất khẩu ước đạt trên 6 triệu tấn với kim ngạch 3,2 tỷ USD. Điều đó cho thấy nghề sản xuất lúa nước đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc dân.

Cây lúa không chỉ mang lại kinh tế cho đất nước ta mà nó còn mang lại giá trị tinh thần trong đời sống văn hóa của Việt nam. Từ trong lời thơ, câu hát cho tới những những câu chuyện cổ tích đều thường xuyên thấy sự xuất hiện của cây lúa và hạt gạo .

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2019 đang gặp khó khăn, giá gạo trong nước và quốc tế giảm nhanh cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường này ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam ngày càng khó khăn do các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực, trong khi đó các nước xuất khẩu gạo tăng cường xuất ra thị trường. Do đó, cùng với những tháo gỡ về chính sách, thị trường từ phía Nhà nước và các bộ, ngành thì các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đồng thời song song với đó là việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo.

Có một tín hiệu đáng mừng là hạt gạo giờ đây không chỉ xuất bán thô mà đã được chế biến thành các sản phẩm khác nhằm đem lại giá trị cao hơn như bún, bánh phở, hủ tiếu, bột cháo… đặc biệt là miến gạo. Miến gạo là một loại thực phẩm khô được sử dụng rất phổ biến của người dân Việt Nam bởi tính tiện lợi, có thể bảo quản được lâu và đặc biệt dễ sử dụng, chế biến thành các món ăn khác nhau. Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất đa dạng các sản phẩm miến gạo, xen lẫn với những sản phẩm miến gạo chất lượng tốt thì cũng có những sản phẩm miến gạo chế biến không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí có những loại miến được tẩy trắng hoặc nhuộm màu bằng hóa chất độc hại đã gây không ít hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người sử dụng. Xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch) là một trong những xã bãi ngang, có điều kiện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Trong nông nghiệp sản xuất chủ đạo của bà con Mỹ Trạch vẫn là lúa nước, tuy nhiên, giá trị từ cây lúa mang lại cho bà con trong xã vẫn chưa đáng kể vì sản phẩm trồng ra mới chỉ bán thô và chưa có sự liên kết chặt chẻ trong việc tiêu thụ dẫn đến thường xuyên bị tư thương ép  giá.

Từ những thực tế đó, Hợp tác xã sinh thái Sông Son đã chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị, công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng để cho ra đời sản phẩm miến gạo Sông Son. Đây là sản phẩm được liên kết từ chặt chẻ từ đầu vào đến đầu ra, người dân sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dưới sự kiểm soát chặt chẻ của hợp tác xã và chính quyền địa phương, đặc biệt ở Hợp tác xã sinh thái Sông Son có hai cán bộ chuyên trách có trình độ là kỹ sư nông nghiệp để cùng hỗ trợ bà con sản xuất và kiểm soát chất lượng. Sản phẩm của bà con trong chuổi liên kết sau đó được hợp tác xã thu mua lại và áp dụng máy móc hiện đại, cùng với quy trình kiểm soát chất lượng khắt khe để tạo ra sản phẩm miến ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trung Thông