NƯỚC MẮM NHÂN NAM – GIỮ “TÂM” VỚI NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Lịch sử thương hiệu bị bỏ quên:
Hơn 10 năm trước, Hội nước mắm Nhân Nam đã được thành lập và sản xuất rất tốt, thương hiệu nước mắm Nhân Nam được thị trường ưa chuộng. Nhưng vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chưa tập trung nên việc thương mại sản phẩm bị trì trệ, mệnh ai nấy làm. Dẫn đến chưa tạo được hiệu quả kinh tế, hội viên rời rạc dần theo thời gian.
Trăn trở với nghề mắm truyền thống
Nghề sản xuất nước mắm ở Nhân Trạch đã được truyền qua nhiều thế hệ, tiếng tăm từng vang xa khắp vùng. Nhưng hiện nay, cũng như nhiều vùng miền khác trong cả nước, nước mắm truyền thống ở đây đang gặp nhiều khó khăn, đang có sự cạnh tranh rất gay gắt về giá thành với nước mắm công nghiệp.
Theo những người làm mắm ở Hội nước mắm Nhân Nam cho biết, về cơ bản nước mắm truyền thống có lợi thế là không có các hoá chất, không có phụ gia, mặt khác, đầu vào và đầu ra của sản phẩm được kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn,… nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, nhược điểm của nước mắm truyền thống là mặn, nước mắm truyền thống phải đạt được nồng độ muối nhất định. Do đó, ngoài giá thành cao hơn, nước mằm truyền thống còn mặn hơn so với nước mắm công nghiệp. Thực tế, những người hiện đang sản xuất và kinh doanh nước mắm đều có cái nhìn khá bi quan về thị trường nước mắm truyền thống. Ngay trong những gia đình có nghề truyền thống, các thanh niên cũng không mặn mà với việc nối nghiệp.
Nguyên nhân quan trọng chính là sự lớn mạnh và áp đảo của các doanh nghiệp sản xuất nước chấm công nghiệp, chiếm đến 80% thị phần. Khoảng 15 năm nay, nước mắm truyền thống không chỉ chịu mất thị trường mà còn phải chấp nhận gia công cho các doanh nghiệp chế biến công nghiệp. Một lối đi cho nước mắm truyền thống vẫn là vấn đề bỏ ngỏ ở tương lai. Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất có truyền thống làm mắm, với các chị em thành viên Hội nước mắm Nhân Nam, mắm đã ăn vào máu, không thể rời bỏ. Mọi sự biến động thăng trầm của nước mắm truyền thống đều tỏ và mất ăn mất ngủ mỗi khi hàng hóa bị ‘thất thủ’ trên thương trường.
Bà Hoa (giám đốc HTX Chế biến thuỷ sản Nhân Trạch) chia sẻ “Có hai cái chúng tôi luôn lưu tâm, là vấn đề sống còn: Thứ nhất là sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, thứ 2 là sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là sức khỏe cộng đồng. Người làm nghề phải làm được hai cái đó, nếu không có cái tâm, không đam mê thì không làm được”. Với bản thân tôi, tôi muốn gắn bó với nghề truyền thống của cha ông. Bố tôi được ông nội giao lại, sau ông giao lại cho tôi và tôi cũng muốn là sau này truyền lại cho con cháu. Nói thật nhiều lúc tôi thấy nghề làm mắm rất khổ nhưng không thể bỏ được nghề truyền thống của cha ông.
Trước thực tế khó khăn chung của nước mắm truyền thống, UBND xã Nhân Trạch đã tìm ra giải pháp tập trung những người có kinh nghiệm làm mắm lâu năm lại để đồng sức đồng lòng xây dựng lại thương hiệu Nhân Nam bị lãng quên bấy lâu nay. “Được sự quan tâm, cố vấn của UBND xã Nhân Trạch chúng tôi đã thành lập Hợp tác xã chế biến thuỷ sản Nhân Trạch và bằng mọi giá chúng tôi sẽ cố gắng để giữ lại nghề truyền thống của cha ông, đưa nó phát triển đi lên cùng quê hương, đất nước” – bà Hoa chia sẻ. Việc kết hợp các thành viên HTX còn tạo ra chuyển biến lớn đó là nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bài toán cạnh tranh giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp được giải đáp là cân đối chi phí cho khâu chế biến, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm như: công nghệ tách muối, nâng cao độ đạm của nước mắm truyền thống, giảm bớt độ mặn. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà còn giữ được hương vị của nước mắm truyền thống.
Sản phẩm nước mắm của HTX Nhân Trạch đã được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 70 nghìn lít nước mắm. Sản phẩm được cung cấp tại nhiều tỉnh thành nhưng mạnh nhất là ở Quảng Bình, Tp.HCM, Gia Lai, Bình Dương, thông qua 2 hình thức, thứ nhất là bán trực tiếp cho người tiêu dùng, thứ hai là bán thông qua các chuối liên kết tiêu thụ là các nhà phân phối, các đại lý.
Quảng Tâm