Quảng Ninh thu hồi 13 sản phẩm đạt 3-4 sao và loại 56 sản phẩm ra khỏi chương trình OCOP

Quảng Ninh thu hồi 13 sản phẩm đạt 3-4 sao và loại 56 sản phẩm ra khỏi chương trình OCOP

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh về Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) do Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh chủ trì, sau kiểm tra, rà soát kỹ đã thống nhất báo cáo UBND tỉnh triển khai các biện pháp “làm sạch” các sản phẩm tham gia chương trình OCOP trên địa bàn.

Thu hồi “sao” 13 sản phẩm và đưa 56 sản phẩm ra khỏi chương trình

Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra, rà soát đối với các sản phẩm OCOP của 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tại các địa phương, Đoàn đã kiểm tra tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, rà soát các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm, làm việc với Ban Chỉ đạo OCOP cấp huyện.

Trên cơ sở đánh giá kỹ những ưu, nhược điểm qua quá trình kiểm tra, rà soát các sản phẩm, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi “Sao” (Chứng nhận đạt sao (gồm 5 sản phẩm 4 sao và 8 sản phẩm 3 sao đối với 13 sản phẩm OCOP) do các sản phẩm đã dừng sản xuất và không có khả năng phát triển sản xuất.Cụ thể, tại thị xã Đông Triều, thu hồi 3 sản phẩm OCOP hạng 4 sao (chè Vằng, Dây thìa Canh và Cao sâm Ba Kích- BAKIGOLD) của Hợp tác xã Dược Liệu Xanh. Tại TP Uông Bí, thu hồi 1 sản phẩm 4 sao Rượu cau Yên Tử.

Trên địa bàn Thành phố Hạ Long, thu hồi 5 sản phẩm hạng 3 sao (Bún Đương Quy, Bún gạo Hoành Bồ, Tinh bột nghệ vàng, Bún Hoài Sơn- Ý dĩ) của HTX nông dược xanh tinh hoa và (sản phẩm Nấm linh chi thái lát) của Công ty CP Nấm Thịnh Phát.

Tại TP Móng Cái, thu hồi 2 sản phẩm hạng 3 sao (Trà chùm ngây, Khoai lang sấy) và (1 sản phẩm hạng 4 sao Trà măng tây) của HTX Nông, lâm ngư nghiệp Thái An.

Tại Hải Hà, thu hồi 2 sản phẩm 3 sao, bao gồm (sản phẩm Măng mai khô Trúc Bài Sơn) của HTX Nông lâm ngư nghiệp Minh Đăng và (sản phẩm Khâu nhục) của Cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Nghĩa.

Đồng thời, Cơ quan thẩm quyền cũng ban hành quyết định đưa 56 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP (bao gồm 13 sản phẩm đã xếp hạng sao và 43 sản phẩm chưa xếp hạng sao).

Ông Đặng Bá Bắc, Phó trưởng ban Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc kiểm tra, rà soát, quyết định thu hồi sản phẩm OCOP…được Quảng Ninh làm thường xuyên. Đây là việc làm cần thiết để “làm sạch” giữ uy tín về chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh đối với khách hàng, người dân, nhất là trong bối cảnh thị trường ngày càng coi trọng các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã bao bì đẹp.

Được biết, năm 2020, Quảng Ninh cũng đã loại 65 sản phẩm ra khỏi Chương trình OCOP đã được chấp thuận tham gia từ năm 2014. Lý do chủ yếu do các sản phẩm này không có khả năng hoàn thiện, phát triển hoặc đã ngừng sản xuất…

Quảng Ninh “làm sạch” sản phẩm chương trình OCOP
Kiểm tra cơ sở tham gia Chương trình OCOP-sản xuất nước mắm tại Vân Đồn

Còn 52,4% số sản phẩm chưa được xếp hạng sao

Chương trình OCOP được tỉnh Quảng Ninh khởi đầu triển khai từ năm 2013- là tỉnh đầu tiên của nước ta phát xây dựng Chương trình OCOP. Chương trình được coi là thương hiệu riêng có của Quảng Ninh và được nhân rộng ra toàn quốc năm 2017. Việc xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP đã khẳng định hướng đi đúng trong việc khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc sản xuất các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng nhằm tạo ra các dấu ấn riêng, đồng thời góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị các sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững gắn kết với phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn…

Tính đến tháng 8/2021, Quảng Ninh đã phát triển được 500 sản phẩm, trong đó số sản phẩm đạt sao là 238 sản phẩm (3 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 67 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao).

Theo Đoàn kiểm tra liên ngành, nhiều sản phẩm đã được cấp sao tiếp tục duy trì được tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm có bao bì, tem nhãn được nâng cấp, cải tiến hấp dẫn hơn…

Tuy nhiên, không ít sản phẩm tham gia chương trình còn bộc lộ hạn chế, như mặt bằng nhà xưởng phục vụ sản xuất còn gặp khó khăn, thiếu vùng nguyên liệu. Đáng chú ý, còn khá nhiều sản phẩm tham gia chương trình OCOP tới 5-6 năm, nhưng chưa được hoàn thiện để tham gia đánh giá phân hạng sao.

Quảng Ninh “làm sạch” sản phẩm chương trình OCOP
Kiểm tra cơ sở sản xuất rượu ở Bằng Cả- Hạ Long

Đáng chú ý, tính đến thời điểm kiểm tra (tháng 8/2021) trên địa bàn Quảng Ninh còn 262 sản phẩm (chiếm 52,4% số sản phẩm tham gia chương trình OCOP) chưa được thi đánh giá phân hạng sao. “Tiêu biểu” nhất là Cô Tô còn 34/48 sản phẩm (71%), Quảng Yên còn 35/50 sản phẩm (70%), Tiên Yên: 18/26 sản phẩm (69,2%), Đầm Hà: 18/29 sản phẩm (62%), Bình Liêu: 15/27 sản phẩm (55,5%), Móng Cái: 20/39 sản phẩm (51%), Hạ Long: 35/73 sản phẩm (48%), Uông Bí: 14/31 sản phẩm (45%), Hải Hà: 16/36 sản phẩm (44,4%), Vân Đồn: 10/26 sản phẩm (38%), Đông Triều: 15/45 sản phẩm (33,3%) chưa được phân hạng sao.

Từ thực tế trên, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiến nghị UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, cơ sở sản xuất, hộ gia đình trong thời gian tới.

Đoàn kiểm tra cũng đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất trong thời gian tới.

Từ việc thu hồi sao và loại khỏi Chương trình OCOP 56 sản phẩm, cho thấy Quảng Ninh rất nghiêm túc trong việc đánh giá các sản phẩm OCOP, kiên quyết “làm sạch” đưa ra khỏi chương trình các sản phẩm không đảm bảo các tiêu chí của Chương trình, góp phần giữ uy tín, thương hiệu của các sản phẩm OCOP Quảng Ninh.

Xuân Phú (Báo Công Thương)